Trở lại hội nghị công nghệ được mong chờ nhất trong giới doanh nhân, năm nay ông Phạm Minh Tuấn đã cùng đại diện Grab Financial Group, VCAM, SPARQ Capital thảo luận về môi trường đầu tư ở Việt Nam cũng như vai trò vô cùng quan trọng của nhà đầu tư với các startup.

Ông Phạm Hợp Phố – giám đốc điều hành Viet Capital Asset Management (VCAM) khẳng định rằng thời điểm hiện tại là cơ hội không thể nào tốt hơn để rót vốn vào các công ty công nghệ Việt Nam. So với khi IDG bắt đầu hoạt động tại Việt Nam, những bước tiến ở thời điểm hiện tại là rất đáng kinh ngạc. Cách đây khoảng 10 năm khái niệm nhà đầu tư thiên thần hay có cố vấn khởi nghiệp còn xa lạ, những nhà sáng lập doanh nghiệp thực sự có năng lực cũng còn rất hiếm, vì vậy những công ty khởi nghiệp khó thuyết phục được những nhà đầu tư thiên thần.

“Nhưng bây giờ môi trường đầu tư Việt Nam đã dần hoàn thiện, chính những nhà đầu tư này đã quay lại hỗ trợ các công ty khởi nghiệp của Việt Nam,” ông Phố nói.

Topica đã trải qua 5 “đời chồng”

Là một trong những nhà đầu tư đánh giá cao thị trường Việt Nam, ông Pieter Kemps – giám đốc Sequoia Capital India khẳng định nếu so sánh về nền kinh tế, Việt Nam không thể bằng Indonesia, Trung Quốc hay Ấn Độ nhưng Việt Nam có đội ngũ kỹ sư trình độ cao. Ở Indonesia, mặc dù là thị trường Sequoia Capital India đã đầu tư vào từ rất lâu nhưng khó để tìm được những kỹ sư lập trình tài năng, nhưng Việt Nam thì khác.

Trong khi ông Tom Setiawan – Phó chủ tịch quỹ đầu tư Warburg Pincus cho rằng Việt Nam hiện nay chỉ mới có VNG được xem là kỳ lân, ngoài ra chưa có một tay chơi đáng kể nào khác, nhưng Việt Nam đang ở thời điểm bùng nổ và vài năm nữa sẽ có những kỳ lân mới, một vài nhóm khởi nghiệp sẽ nở rộ.

“Với tầm nhìn đó chúng tôi đầu tư vào nhiều khoản được lựa chọn cân nhắc nhưng đồng thời cũng chấp nhận “đánh cược” với một vài khoản đầu tư mà chỉ nhằm giúp các công ty đó hoàn thiện hơn để có thể tiếp tục những khoản đầu tư khác”, ông Tom nhấn mạnh.

Trong danh mục của mình, Warburg Pincus hiện đầu tư vào Vincom Retail, Techcombank, và mới đây là ứng dụng thanh toán di động MoMo. Chia sẻ về lý do lựa chọn giải ngân vào những công ty Việt Nam, đại diện quỹ đầu tư toàn cầu này nhấn mạnh đó là do yếu tố ban lãnh đạo.

Cùng có mối quan tâm trong lĩnh vực thanh toán di động, Grab – được biết đến ban đầu là ứng dụng đặt xe di động, đã thông qua công ty địa phương Moca, chính thức đẩy mạnh mảng thanh toán di động tại Việt Nam.

Ông Rajiv Chandna – giám đốc Chiến lược và Phát triển kinh doanh của Grab Financial Group, cho rằng điều kiện vĩ mô Việt Nam không thể nào tốt hơn với tỷ lệ dân số sử dụng dịch vụ ngân hàng còn thấp, vì vậy họ xác định tương lai bằng cách xây dựng nền tảng về tín dụng.

“Một xã hội thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam chắc chắn sẽ đến, chỉ là sớm hay muộn. Một khi đến thì sự thay đổi sẽ rất mạnh, đó là lý do chúng tôi đầu tư vào Việt Nam.” Rajiv Chandna nói.

Mang đến góc nhìn từ một founder startup, nhà sáng lập Topica Edtech Group ông Phạm Minh Tuấn chia sẻ: Nếu ví các vụ đầu tư như “hôn nhân” thì Topica đã trải qua 5 “đời chồng”. Người quan trọng nhất là người đến đầu tiên, đó chính là IDG. Theo ông Tuấn, người đến trước rất quan trọng vì họ giúp xem nền tảng hoạt động có ổn không trước khi đi, người sau sẽ tiếp tục cải thiện.

Rất nhiều nhà đầu tư lớn đến rồi đi nhưng có nghịch lý là vì hầu hết các khoản đầu tư họ mong muốn rót vào doanh nghiệp hoặc là dưới 5 triệu USD hoặc là trên 50 triệu USD. Rất khó gọi những khoản đầu tư trong vùng 5-20 triệu USD.

Topica hiện đã kêu gọi thành công vòng gọi vốn series D với con số 50 triệu USD và trở thành Edtech lớn nhất Đông Nam Á, đồng thời đưa Việt Nam vào danh sách 5 cường quốc công nghệ giáo dục của thế giới. Đây là thành quả đến từ những nỗ lực của đội ngũ nhưng Topica cũng không thể đạt được điều đó nếu thiếu những yếu tố vô cùng quan trọng như tốc độ phát triển của nền kinh tế, lợi thế về môi trường đầu tư,… như các khách mời vừa nhắc tới.

Đóng lại phiên thảo luận, đại diện quỹ đầu tư VCAM bày tỏ tin tưởng Việt Nam hoàn toàn có cơ hội bắt kịp khu vực, thậm chí đi trước về công nghệ. Với nền kinh tế 100 triệu dân và nền công nghệ đang trưởng thành. Với công nghệ, nếu các công ty Việt Nam có góc nhìn toàn diện, có thể giải quyết vấn đề của chính mình thì các nhà đầu tư sẵn sàng tìm đến.