Chỉ trong một thời gian ngắn, với sự bùng nổ của Internet, hàng tá công việc đã trở nên lỗi thời. Nhiều lĩnh vực ngày hôm qua còn nằm trong TOP những lựa chọn nghề nghiệp thì ngày hôm nay, rất nhanh chóng bỗng trở nên “trượt giá”, thậm chí là “mất giá”.

Hàng loạt lĩnh vực phải tự biến đổi để tồn tại. Song song với đó, vô số công việc chưa từng có trước đây cũng “mọc lên” ngoạn mục. Những “việc mới” có thể kể đến như: Sáng tạo nội dung Youtube, Chuyên viên phân tích số liệu, hay Chuyên viên Digital Marketing,…

Có một thực tế rằng, với độ chính xác và tính bền bỉ cao, các robot có thể đảm nhiệm nhiều công việc tốt hơn con người gấp nhiều lần. Cứ mỗi một công nghệ được phát minh và đưa vào áp dụng trong cuộc sống, là lại một nghề nghiệp có nguy cơ bị xóa sổ và “tuyệt chủng”. Các ngành sử dụng nhân công số lượng lớn sẽ dần bị thu hẹp quy mô nhường chỗ cho những lĩnh vực sử dụng chất xám hơn.

Theo Tiến sĩ (Ts.) Phạm Minh Tuấn, người sáng lập kiêm Chủ tịch Topica Edtech Group trong sự kiện Forbes Talks – Tương lai của giáo dục diễn ra vào ngày 20/10 vừa qua, cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đã đi vào tất cả các ngõ ngách của cuộc sống, không gì ngăn cản nổi. Trong lĩnh vực giáo dục, nhiều công việc cũng sẽ được thay thế bởi công nghệ. Tuy vậy, những giáo viên giỏi vẫn sẽ trụ lại, thậm chí có cơ hội ngày càng rộng mở hơn nếu biết áp dụng công nghệ vào giảng dạy. Tại Mỹ, có đến 28% số sinh viên học ít nhất 1 môn online, 73% lãnh đạo trường đại học ở Mỹ cũng cho rằng học trực tuyến sẽ hiệu quả hơn. Giáo dục vì thế cũng sẽ mở ra 3 xu hướng mới: thực tế ảo, đào tạo trực tiếp đến nhà tuyển dụng và trí tuệ nhân tạo.

Tương lai của giáo dục trong thời kỳ công nghệ

Với công nghệ thực tế ảo, học viên có thể giao tiếp và tương tác với nhiều người xung quanh ngay trên nền tảng online. Trong khi đào tạo trực tiếp yêu cầu thời gian đào tạo thường từ 4 đến 5 năm, thì thời gian đào tạo online được rút ngắn hơn, do học viên có thể tận dụng tối đa thời gian của mình.

Ts. Phạm Minh Tuấn chia sẻ tại hội nghị

Ts. Phạm Minh Tuấn cũng chỉ ra một thực tế rằng, chu kì sản xuất càng kéo dài, rủi ro tồn kho sẽ càng lớn. Ví dụ vào năm 2013, một phần ba số học sinh khi đăng kí thi đại học đã đăng kí ngành tài chính ngân hàng, bởi vào thời điểm đó, đây có thể được coi là một ngành “hot” và đáp ứng được xu thế. Nhưng sau 4 năm, ngành ngân hàng cũng trở nên bão hòa, số lượng sinh viên quá lớn so với nhu cầu việc làm khiến không ít người vô cùng chật vật khi tìm việc.

Lúc này, xu hướng đào tạo trực tiếp sẽ mở ra lối đi mới cho cả nhà tuyển dụng lẫn sinh viên – những người vô cùng chật vật để có thể tìm kiếm một công việc phù hợp khi ra trường. Sẽ có những công ty làm việc trực tiếp với nhà tuyển dụng và thiết kế nên những khóa học dựa trên chính nhu cầu của doanh nghiệp, có cấp bằng cũng như chứng chỉ. Học viên sau khi hoàn thành khóa học có thể đáp bảo 100% công việc mà nhà tuyển dụng yêu cầu, giảm bớt rủi ro thất nghiệp. Doanh nghiệp cũng sẽ có được cho mình một đội ngũ lao động chất lượng.

Còn với trí tuệ nhân tạo, sẽ có 4 cách để áp dụng xu thế này trong giáo dục, đó chính là: giúp hỗ trợ học viên; dạy học viên những kĩ năng học thuộc; mang đến những bài tập theo đúng trình độ của học viên và cuối cùng là tích hợp cả 3 cách trên, cùng với công nghệ 3D.

Và câu hỏi đặt ra rằng, chúng ta sẽ phải làm gì khi dòng chảy nghề nghiệp có tốc độ biến chuyển quá nhanh? Khi cách mạng công nghệ đã ngày càng “xâm chiếm” sâu hơn vào đời sống, hình thức đào tạo truyền thống lại không đáp ứng được sự thay đổi quá nhanh của xu hướng mới?

Hiện nay, gần như tất cả các ngành thông tin thuần túy đều đã được đưa lên Internet. Người dùng có thể dễ dàng có được kiến thức mình cần chỉ qua một cú nhấp chuột. Tuy vậy, chỉ có giáo dục lại chưa được đưa lên, và một câu hỏi được đưa ra, đó chính là bây giờ đã là thời điểm của giáo dục trong thời kì cách mạng công nghệ hay chưa? Nếu đây là thời điểm thì nên chuẩn bị bởi điều này sẽ đến rất nhanh, chỉ trong 3 – 4 năm.  Nếu là 4-5 năm nữa, thì đây là thời điểm vô cùng thích hợp để chuẩn bị cho một tương lai mới.

Tại Việt Nam, Topica là doanh nghiệp đầu tiên ứng dụng những tân tiến công nghệ vào giáo dục. Các chương trình học tập được thiết kế giúp học viên có thể học mọi lúc mọi nơi trên ứng dụng di động. Cơ hội tiếp cận kiến thức trở nên dễ dàng và trở nên rẻ hơn bao giờ hết. Điều này cũng mở ra cơ hội cho những doanh nghiệp tìm kiếm nhân sự có năng lực thực sự như Topica.

Là sự kiện lần đầu tiên của Forbes Việt Nam về chủ đề giáo dục, Forbes Talks –  “Tương lai của giáo dục” tập trung vào những diễn biến, xu hướng, thay đổi mới nhất trong lĩnh vực giáo dục. Sự kiện giúp cho các doanh nghiệp, nhà giáo dục, nhà hoạch định chính sách và công chúng quan tâm tới giáo dục cập nhật những thông tin mới nhất về lĩnh vực đầu tư quan trọng cho tương lai này. Topica – Đơn vị giáo dục hàng đầu Đông Nam Á cũng tham gia sự kiện này với tư cách phát biểu mở đầu sự kiện nhằm mang lại những lợi ích thiết thực nhất cho cộng đồng.

Bên cạnh đó, Forbes Talks lần này cũng có sự xuất hiện của những diễn giả nổi tiếng trong ngành giáo dục như: ông Nguyễn Ngọc Thủy – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Anh ngữ Apax, bà Phan Hà Thủy – Tổng Giám đốc Hệ thống Giáo dục Vinschool với những chia sẻ vô cùng sâu sát về giáo dục, xuất phát từ chính thực tế doanh nghiệp mình đứng đầu.

Một số hình ảnh về sự kiện