Trong khi chúng ta đang trăn trở làm sao để giáo dục đào tạo Việt Nam có thể bắt kịp, thì các nước tiên tiến cũng đang hoang mang không kém. Tự động hóa và trí tuệ nhân tạo (AI) đang tác động khôn lường tới việc làm và giáo dục trên toàn cầu.

Kể từ năm 2000 trở lại đây, Mỹ đã mất đi năm triệu việc làm trong các nhà máy. Điều đáng nói, chỉ 13% số đó là do dịch chuyển sản xuất sang các nước nhân công giá rẻ, theo CNN. Số còn lại mất đi là do rô bốt và các yếu tố nội địa khác. Năm 2016, hàng trăm trang báo đăng tin tập đoàn Foxconn (Đài Loan) đột ngột thay thế 60 ngàn công nhân bằng rô bốt. Vài tuần gần đây, các tin tức như 90% công nhân một số nhà máy mỹ nghệ ở Bình Dương mất việc làm, hay Nike quay trở lại sản xuất giày tại Mỹ với các nhà máy toàn rô bốt, cho thấy mối đe dọa cũng bắt đầu lan đến 300 ngàn công nhân của Nike tại Việt Nam, và hàng triệu công nhân khác.

Giáo dục thời kỳ 4.0

Công nghệ không chỉ đe dọa các công việc tay chân. Tháng 3 vừa qua, ngân hàng lớn nhất của Mỹ JP Morgan Chase, ra mắt phần mềm AI có khả năng hoàn thành hàng trăm ngàn giờ công việc của các luật sư, chuyên viên tín dụng chỉ trong vài giây. Theo nhiều nghiên cứu, từ 38% – 47% số lượng việc làm hiện nay có thể mất đi do AI trong vòng 20 năm tới, như luật sư cấp thấp, chuyên viên tín dụng, nhân viên bán lẻ, lái xe, lễ tân, bảo vệ, công nhân… Điều này có nghĩa là hàng trăm triệu người sẽ cần được đào tạo lại mỗi năm, trong đó có hàng triệu người Việt Nam, để trang bị những kỹ năng mới.

Nền giáo dục các nước ứng phó với “cơn sóng thần” này như thế nào? Đương nhiên họ không thể xây thêm hàng ngàn trường đại học, hàng vạn trung tâm đào tạo chỉ trong vài năm. Các trường đại học danh giá cũng không thể ra mắt thêm hàng chục ngàn khóa học, để đáp ứng hàng ngàn việc làm mới toanh xuất hiện trong các lĩnh vực như lập trình, quảng cáo trực tuyến, phân tích dữ liệu, thiết kế 3D…

Để giải quyết các vấn đề do công nghệ gây ra, họ tìm đến công nghệ. Hai tổ chức Coursera và EdX hợp tác với hơn 200 trường đại học tốp đầu thế giới, đưa hàng ngàn khóa học của các giáo sư lên mạng dưới dạng khóa học mở đại chúng (MOOC), và đã có hơn 30 triệu người trên thế giới đăng ký học. Udemy, Pluralsight, Skillshare cung cấp hơn 60 ngàn khóa học online từ kỹ năng văn phòng, lập trình đến yoga và nuôi dạy con.

Nếu trước đây học trực tuyến còn gây băn khoăn về chất lượng, thì hiện nay một số trường tốp đầu của Mỹ như Berkeley, New York University, Northwestern, Rice đã đủ tự tin để đưa ra các chương trình thạc sỹ 100% online. Theo nghiên cứu năm 2015 của Online Learning Consortium, 71% lãnh đạo các trường đại học ở Mỹ cho rằng hình thức học online đem lại chất lượng ngang bằng hoặc tốt hơn học truyền thống. Cứ ba sinh viên đại học ở Mỹ, có một người đang học ít nhất một môn hoàn toàn online.

Đào tạo trực tuyến giúp đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp nhanh hơn. Sau cơn sốt ngân hàng, năm 2013, một phần ba sinh viên ở Việt Nam theo học khối tài chính ngân hàng. Kết quả là sau 4 – 5 năm học, hàng ngàn sinh viên ra trường đối mặt với một ngành ngân hàng đang khủng hoảng, và chật vật tìm việc làm. Ở Mỹ, đơn vị đào tạo trực tuyến Udacity tiên phòng 1 cách làm khác: đảm bảo 100% việc làm. Họ gặp gỡ trực tiếp Google, Facebook, Oracle để tìm hiểu nhu cầu về nhân lực trong tương lai. Chỉ trong vài tháng, họ ra mắt các khóa học trực tuyến với các chuyên gia của các doanh nghiệp đó tham gia xây dựng. Sau khóa học kéo dài 6 – 9 tháng, tất cả các học viên tốt nghiệp được đảm bảo 100% việc làm tại chính các doanh nghiệp đó.

Pluralsight có 4.000 khóa học kỹ năng online. Họ ký hợp đồng với các doanh nghiệp, cung cấp toàn bộ các khóa học đó cho toàn thể nhân viên. Một nhân viên được sếp yêu cầu trình bày kế hoạch tài chính cho dự án mới trong tuần tới, đòi hỏi nhân viên biết cách phân tích một vài chỉ số. Anh ta lên Pluralsight, tìm kiếm môn học về phân tích đầu tư dự án, lướt nhanh qua những phần cần thiết nhất, và hoàn thành báo cáo đúng hạn.

Các khóa học trực tuyến liệu có quá xa vời với các công nhân mất việc làm ở Bình Dương, hay các học sinh nghèo hiếu học ở Sơn La? Đa số các khóa học của các giàng viên Stanford, Harvard trên Coursera, EdX đều miễn phí, và học viên chỉ phải trả tiền khi thi lấy chứng chỉ. Nhiều công ty ở Việt Nam tuyển dụng lập trình viên, chuyên viên thiết kế cũng không hề đòi hỏi chứng chỉ, họ đánh giá trực tiếp trong quá trình phỏng vấn. Ở Trung Quốc và Ấn Độ, Coursera có hơn một triệu học viên. Ở Việt Nam, một số tổ chức và cá nhân đã tình nguyện dịch rất nhiều môn học của Coursera và EdX. Nhiều đơn vị trong nước cũng cung cấp các khóa học online với chi phí “nội địa”.

Liệu máy móc và đường truyền để học online có quá tốn kém? Các máy tính bảng rẻ nhất hiện nay có giá dưới một triệu đồng, và MobiFone cùng Facebook vừa ra mắt một gói cước “0 đồng” đầu tiên tại Việt Nam.

Đào tạo trực tuyến còn nhiều vấn đề phải giải quyết. Cứ 100 người đăng ký các khóa học MOOC, chỉ có dưới năm người hoàn thành. Phần lớn bỏ dở vì thiếu động lực học, bài giảng video thuần túy kém sinh động, thiếu tương tác. Khi lên Udemy để tìm một khóa học về Excel, bạn phải đau đầu lựa chọn giữa cả ngàn khóa Excel. Các công nghệ mới đang hứa hẹn nhiều giải pháp đột phá. Các Kỹ sư của Boeing đeo kính Google Glass trong khi lắp ráp, sửa chữa phụ tùng có thể nhìn thấy các hướng dẫn bằng hình 3D ngay trước mắt. Quá trình đào tạo được rút ngắn và hiệu quả gấp nhiều lần so với học qua sách vở hay trên máy tính.

Phần mềm AI phân tích nét mặt của người học online qua camera máy tính, có thể nhận biết họ đang hứng thú, chán nản hay không hiểu bài. Qua đó có thể tua nhanh, chậm hay thau đổi nội dung của bài giảng. Thiết bị Emotiv của các nhà sáng lập người Việt có thể nhận biết độ hứng thú của người học trực tiếp thông qua sóng não. Các loại găng tay 3D hay thiết bị nhận dạng động tác cơ thể Microsoft Kinect cho phép các học viên một lớp học bán hàng bắt tay, chào hỏi, giao tiếp với khách hàng trong một thế giới 3D sinh động. Các khách hàng đó có thể do học viên khác, hoặc do AI điều khiển. Got It!, ứng dụng của một nhà sáng lập người Việt khác, có thể chụp ảnh, nhận dạng một bài toán phương trình, và đưa ra hướng dẫn giải từng bước chỉ trong tích tắc. Trong một giờ học tiếng Anh “dã ngoại” của Topica Native, giáo viên Mỹ cầm camera 360 độ đứng trước cửa Nhà Trắng, truyền hình trực tiếp bài phát biểu của tổng thống Trump. Học viên ở Hà Nội đeo kính 360, thảo luận trực tiếp với giáo viên, bắt chuyện với những người đi ngang qua, cảm giác như đang có mặt tại đó.

Hiện nay Việt Nam có hơn 150 startup về đào tạo trực tuyến, ngang bằng hoặc có trường hợp vượt trội so với doanh nghiệp cùng ngành ở các nước Đông Nam Á khác. Một số đơn vị như ELSA, Funix, Got It!, Monkey Junior, Topica có học viên tại nhiều nước trên thế giới. Khi chúng ta còn đang loay hoay tìm cách bắt kịp với giáo dục thế giới, thì giáo dục thế giới lại bị đảo lộn do công nghệ. Liệu một cuộc cách mạng trong giáo dục có phải là một trong những lời giải cho Cách mạng công nghiệp 4.0?