Trong những năm gần đây, hình thức đào tạo trực tuyến ngày càng trở nên phổ biến tại Việt Nam. Số liệu của Ambient Insight chỉ ra, trong năm 2018, Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng trưởng về thị trường của giáo dục trực tuyến cao nhất Châu Á, với 44% xét trên cả số lượng người học và số đơn vị cung cấp giải pháp bài giảng. Theo ông Nguyễn Danh Tú – giám đốc Công nghệ Topica Native, quá trình chuyển đổi số của giáo dục tại Việt Nam đang diễn ra rất sôi động, cả về chất và lượng cũng như độ sâu rộng.
Sự bùng nổ về công nghệ ứng dụng trên các nền tảng di động, mạng xã hội đã làm cho hệ thống thông tin trở nên phong phú và dễ tiếp cận với con người hơn bao giờ hết. Không còn giới hạn kiến thức từ sách vở, giờ đây, chỉ với 1 thiết bị thông minh như smartphone, máy tính bảng, người học có thể tương tác trong môi trường e-learning mọi lúc, mọi nơi.
Số lượng các khóa học cũng tăng theo nhu cầu công việc của thời đại số, tập trung vào đào tạo các kỹ năng như ngoại ngữ, tin học văn phòng, công nghệ thông tin…Về chất lượng học tập, ngày càng có nhiều đơn vị, cơ sở đào tạo đầu tư về hình ảnh, đa dạng học liệu, hay thậm chí là tạo môi trường học 3D ảo mô phỏng như cuộc sống thật.
Với sự quan tâm và ứng dụng của ngày càng nhiều doanh nghiệp vào các công nghệ cao như thực tế ảo, trí tuệ nhân tạo (AI), phát triển 1 nền giáo dục thông minh là điều trong tầm tay. Nhưng để làm được điều này, tại Việt Nam cần có những cú hích lớn về đầu tư hạ tầng, sự thay đổi của hàng lang chính sách và đặc biệt là việc làm chủ các công nghệ mới then chốt.
Nói về điều này, ông Nguyễn Danh Tú chia sẻ: “Các doanh nghiệp hiện nay có thể lựa chọn đi tiên phong trong việc làm chủ các công nghệ như AI, thực tế ảo…Những công nghệ giúp chúng ta đi tắt, đón được những xu thế mới thay vì ta phải đuổi theo những xu hướng của thế giới. Điều đó cũng sẽ giúp chúng ta không chỉ làm chủ các công nghệ trong nước, mà thậm chí còn có thể xuất khẩu chúng ra nước ngoài.”
Ngoài các công nghệ chính như AI, VR, đang được ứng dụng vào ngày càng nhiều lĩnh vực trong đời sống, ứng dụng của “Adaptive learning” vào đào tạo trực tuyến – cho phép cá nhân hóa và theo dõi quá trình học tập, định hướng cho từng đối tượng học viên cũng đang nhận được sự quan tâm lớn của giới chuyên môn.
Trong cuộc cách mạng lần thứ 4, cùng với AI, BIG DATA và sự hỗ trợ về 1 hành lý pháp lý, đào tạo trực tuyến của Việt Nam còn rất nhiều cơ hội rộng mở. Phát triển đào tạo trực tuyến là cơ hội cho các doanh nghiệp công nghệ hỗ trợ tốt hơn cho các cơ sở giáo dục truyền thống và hướng tới một nền giáo dục thông minh, trong đó mỗi cá nhân được đáp ứng về nhu cầu học tập trong điều kiện tốt nhất.