Hội nghị với chủ đề “Thúc đẩy tiềm lực con người (Bending the Arc of Human Potential)” tập trung thảo luận bốn vấn đề chính bao gồm: Lớp học ảo, lớp học quốc tế và những bí mật để tạo nên sản phẩm công nghệ giáo dục đột phá; Tương lai của giáo dục: học tập thông qua trò chơi, học với trợ giúp của AI, Big Data; Vai trò và sự thay đổi của các yếu tố giáo dục: cha mẹ, thầy cô, học trò, học liệu và nền tảng công nghệ; Đặc điểm, tiềm năng thị trường công nghệ giáo dục ở các khu vực như Đông Nam Á, châu Âu, Trung Quốc,….
Vấn đề thứ tư được đưa ra thảo luận tại Hội nghị nhận được sự quan tâm lớn từ các khách mời quốc tế. Trong khuôn khổ vấn đề này, buổi toạ đàm về chủ đề “Sự trỗi dậy của những con hổ Đông Nam Á (Rising Tigers of the SEA)” được trao đổi và chia sẻ bởi ông Mike Michalec – Giám đốc điều hành EdTech Asia, bà So-Young Kang – CEO của Gnowbe, ông Ashish Rajpal – Người sáng lập của XSEED Education, ông Sandeep Aneja – Người sáng lập quỹ Kaizen PE và ông Phạm Minh Tuấn – Người sáng lập và CEO của TOPICA Edtech Group.
Tại hội thảo này, đào taọ trực tuyến của Việt nam đã được đánh giá là thị trường lớn thứ hai Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia – tuy nhiên, những năm trở lại đây, công nghệ giáo dục Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ. Như lời ông Mike, giám đốc Edtech Asia chủ trì phiên thảo luận chia sẻ: “Hiện nay Đông Nam Á chưa xuất hiện đơn vị đào tạo trực tuyến nào hoàn toàn áp đảo nhưng nếu có thì Topica là ứng viên sáng giá”. Được biết, hiện sản phẩm giáo dục “made in Vietnam” của Topica đã có mặt tại một số nước Đông Nam Á trong đó có Thái Lan, Indonesia, Philippines,….
Tiến sỹ Phạm Minh Tuấn cho biết: “Chúng tôi rất tự hào đã góp phần đem lại chương trình học tập chất lượng cao cho gần 2 triệu học viên ở Đông Nam Á”. Các diễn giả đều đồng tình với sự trỗi dậy và tiềm năng của công nghệ giáo dục tại Đông Nam Á cũng như toàn thế giới. Tuy nhiên, để đẩy mạnh hơn nữa sự phát triển, bắt kịp với xu hướng và tiếp tục tạo ra đột phá, nền công nghệ giáo dục của khu vực cũng có những vấn đề lớn cần giải quyết.
Xoay quanh những vấn đề
Đầu tiên là việc lựa chọn xu hướng công nghệ. Các diễn giả cho rằng hiện nay có rất nhiều công nghệ mới, chính vì thế, việc áp dụng công nghệ nào vào các sản phẩm để vừa có tính đột phá, lại có thể liên tục cập nhật mà không làm gián đoạn hay thay đổi hiệu quả học tập của những phương thức có sẵn.
Vấn đề thứ hai là niềm tin của nhà đầu tư vào lĩnh vực đầu tư giáo dục, vốn là hạng mục đầu tư dài hạn.
Thứ ba là sự thiếu hụt nhân sự giỏi và cạnh tranh với những công ty khởi nghiệp công nghệ trong các lĩnh vực hấp dẫn khác. Ngoài ra, nhiều những khó khăn khác cũng được các diễn giả chia sẻ trong toạ đàm này.
“Để giải quyết những vấn đề bên trên cần sự hợp tác của cả một hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ giáo dục và chúng tôi đang từng bước hoàn thiện hệ sinh thái đó”, Tiến sĩ Phạm Minh Tuấn – CEO và cũng là nhà sáng lập Topica Edtech Group cho biết.
Cũng theo ông Tuấn, song song với đó là những cơ hội mở ra cho các bạn trẻ say mê làm giáo dục và muốn đóng góp công sức vào ngành nghề có ý nghĩa cho xã hội này. Được tổ chức từ năm 2010, sự kiện ASUGSV Summit là sự kiện hàng đầu thế giới về giáo dục. Những khách mời trong sự kiện cũng như nội dung những phiên thảo luận đều được chọn lọc kĩ lưỡng bởi những chuyên gia quốc tế và đem lại những góc nhìn chuyên môn quan trọng trong lĩnh vực này.